Nguyên nhân từ đâu khiến một người chọn phương pháp im lặng để giải quyết vấn đề?
Nếu như silent treatment được xem là một hành vi lạm dụng cảm xúc hoặc nghiêm trọng hơn là một hành vi bạo hành tâm lí thì nguyên nhân gì thúc đẩy một người chọn cách im lặng nhằm giải quyết vấn đề?
- Cách họ được nuôi dạy khiến cho họ nhận thức được rằng sử dụng sự im lặng như một cơ chế phòng thủ nhằm bảo vệ bản thân. Họ lớn lên trong một gia đình mà ở đó mọi người không có thói quen thể hiện cảm xúc, hoặc không được khuyến khích cũng như bày tỏ quan điểm của bản thân. Họ cảm thấy không có khả năng phơi bày cảm xúc thật nhất bên trong mình. Vì vậy, họ lựa chọn phơi bày cảm xúc theo một cách thụ động — giữ im lặng. Cách này dễ dàng nhất giúp họ đối diện với cảm xúc bên trong mình. Việc đứng lên phản biện, lí giải, đưa ra quan điểm của bản thân đôi khi là một việc rất khó đối với một cá nhân. Những người này chọn cách gây hấn thụ động — im lặng giúp họ bảo vệ được cảm xúc bên trong mình.
- Đôi khi do hoàn cảnh hay tình huống xảy ra cũng khiến một con người không còn cách nào khác ngoài việc im lặng. Ví dụ trong gia đình hoặc những người thân xung quanh mình, hoặc nơi công sở thì việc giữ hoà khí vô cùng quan trọng. Họ phải chọn sự tức giận thầm lặng để không phá vỡ sự yên bình mà bản thân họ cho rằng đáng giữ dù bên trong bản thân có đấu tranh đi nữa.
- Những vấn đề tâm lí hoặc nỗi đau tuổi thơ hoặc rối loạn tính cách cũng khiến cho một người chọn cách im lặng để né tránh xung đột. Cũng như bản thân mình không hiểu được mình đang nghĩ gì và đang gây ảnh hưởng đến người khác như thế nào.
Ảnh hưởng đáng sợ của sự im lặng lên các mối quan hệ
Nếu như ai đó sử dụng silent treatment như một cách kiểm soát tình huống hay gây áp lực cho người khác, thì đó không phải là một cách hữu hiệu để giải quyết mâu thuẫn, thậm chí có thể gây ra tác dụng ngược lại.
Nghiên cứu chỉ ra rằng cả 2 giới đều có mức độ sử dụng silent treatment ngang nhau trong một mối quan hệ.
Khi một cuộc tranh cãi xảy ra, 1 trong 2 người muốn tìm cách giải quyết vấn đề, mong muốn lắng nghe và đẩy lui vấn đề khó khăn thì người kia lại chọn cách rút lui và coi rằng đối phương không tồn tại. Đôi khi im lặng là cần thiết để bản thân bình tĩnh và nêu rõ mong muốn giải quyết mâu thuẫn sau khi bình tĩnh. Nếu sự im lặng không phải mục đích thoả thuận và giải quyết mâu thuẫn mà chỉ mang tính ép buộc hay cố gắng gây sức ép lên người khác thì nó sẽ gây ra sự tổn thương sâu sắc cho cả 2 bên.
Như đã nói, im lặng là vũ khí của bạo hành cảm xúc. Trong đó, thao túng tâm lí có chủ ý bằng cách sử dụng một loạt cách hành động phi thể thất hoặc ngôn từ có thể làm suy yếu tinh thần và cảm xúc của một người. Trong vài trường hợp, silent treatment như thứ vũ khí huỷ diệt thầm lặng, âm thần len lỏi vào cách nạn nhân định dạng giá trị của chính mình. Hoặc thậm chí khiến họ có các ý nghĩ tiêu cực từ đó phát triển các rối loạn tâm lí. Có thể kể đến hậu quả như: nạn nhân phát triển các nỗi sợ hãi, rối loạn lo âu hoặc trầm cảm; họ cảm thấy vô vọng, khó ăn uống và ảnh hưởng đến giấc ngủ,…
Một nghiên cứu vào 2012 nói rằng những người thường xuyên bị ngó lơ cho thấy họ có lòng tự trọng thấp hơn, có cảm giác cuộc sống dường như ít ý nghĩa hơn. Việc bỗng dưng bị cô lập được xem là một hình thức gây tổn thương lên người khác mà không để lại vết thâm. Tuy nhiên, cảm giác này khiến nạn nhân thấy rằng mình như bị chối bỏ. Khi ai đó bị cô lập, não của họ kích hoạt một vùng não giống với khi họ cảm nhận một cơn đau thể xác.
Như vậy, khi bị cô lập không để lại vết thương nhưng lại gây ra đau đớn tương đồng với những vết thương lên da thịt.